Có một nghịch lý, tuy BCS được tính... dành cho nam nhưng có đến hơn 90% được các cộng tác viên dân số phát cho... chị em. Chị em cầm về cũng chưa chắc thuyết phục được chồng sử dụng...
Khổ vì tránh thai
"Anh chịu khó dùng bao cao su (BCS) nhé. Em nghe nói loại bao mới này có nhiều tính năng hay lắm, vừa an toàn, vừa phòng ngừa bệnh tật lại có nhiều cảm hứng" - Hoài Minh (Mỹ Đình, Hà Nội) thấy chồng có dấu hiệu muốn "yêu" vợ liền vội vàng lục tủ bày BCS và liến thoắng thuyết phục chồng.
Minh mới cưới chồng lại vừa đi làm, nên cô chưa muốn có con ngay. Bác sĩ tư vấn, nếu chưa muốn sinh nở thì không nên đặt vòng mà cô lại không muốn uống thuốc tránh thai. Cô tìm cách thương lượng với chồng nhưng mỗi lần đề nghị, chồng cô lại gạt phắt đi vì "phức tạp, đang sung thì phải dừng lại, xé xé, đeo đeo, mất hứng". Thế là Minh đành bó tay vì chẳng nhẽ ngày nào cũng "đôi co" vì chuyện cái BCS thì "vô duyên quá". Chị đành tính ngày rụng trứng để quan hệ cho an toàn nhưng vẫn nơm nớp sợ vỡ kế hoạch, đến nỗi mất cả cảm hứng khi yêu chồng.
"Tại sao chỉ có phụ nữ phải lo đến chuyện tránh thai khi mình đâu có quan hệ tình dục một mình. Có lẽ vì tội vạ đâu đàn bà chịu chứ đàn ông "vô trách nhiệm" -Minh thở dài.
Trung tâm Tư vấn - dịch vụ sức khoẻ sinh sản - Hội Kế hoạch hoá gia đình Hà Nội thường xuyên gặp phải những ca người vợ có thai ngoài ý muốn do không thống nhất được các biện pháp tránh thai (BPTT) với chồng.
Có chị huyết áp cao không dùng được thuốc, cơ địa không chịu được vòng tránh thai, nhưng chồng không "thông cảm" sử dụng BCS nên hầu như năm nào cũng phải đi phá thai.
Chị thở dài: "Mình bị lỡ kế hoạch mà chồng cứ sưng sỉa như vợ đã "chót dại" với thằng nào. Còn mắng mình là "phụ nữ mà không biết giữ gìn". Mình đã phá thai vài lần mà chưa lần nào đưa mình đi vì sợ đến đấy "mất mặt đàn ông". Thế hóa ra phụ nữ toàn phải làm việc "mất mặt" sao? Tháng trước mình vừa điều hòa xong, về nhà được vài ngày chồng đã đòi, nên tháng này lại dính, lại điều hòa".
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Lịch - Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cảnh báo, nếu liên tục phá thai, sức khỏe của phụ nữ sẽ bị hủy hoại, dạ con có thể thủng và khả năng viêm nhiễm rất cao.
Biết mà vẫn "dính"
Theo số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, năm 2010, trong các biện pháp tránh thai, tỷ lệ tham gia của nam giới chỉ chiếm 14%, 86% là nữ.
Có một nghịch lý, tuy BCS được tính là BPTT dành cho nam nhưng có đến hơn 90% được các cộng tác viên dân số, các cơ sở y tế phát cho... chị em. Chị em cầm về cũng chưa chắc thuyết phục được chồng sử dụng. Tuy rằng BCS có hiệu quả cao trong phòng tránh thai, dễ sử dụng, ít tác dụng phụ và còn giúp phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng cánh mày râu vẫn "lười" vì chưa có sự thông cảm với gánh nặng của người phụ nữ mình yêu thương.
Trong một cuộc thảo luận nhóm do Viện Phát triển sức khoẻ cộng đồng Light tổ chức, các bạn trẻ đã chỉ ra các nguyên nhân khiến nữ thanh niên không dùng BCS: Do không thuyết phục được bạn tình; không dám yêu cầu (sợ bị bạn tình đánh giá là từng trải); không biết sử dụng; sợ làm giảm khoái cảm của bạn tình; không biết nơi cung cấp; sợ mất thời gian hoặc gián đoạn quan hệ tình dục...
Còn nam giới không sử dụng BCS là do: Không có thói quen, sợ dùng BCS làm giảm khoái cảm, chứng tỏ sự chung thuỷ, sợ mất bản lĩnh, nam tính; tránh thai là việc của nữ giới; bạn tình không yêu cầu...
Hậu quả là hàng năm, Việt Nam vẫn có đến hơn 700.000 ca nạo hút thai mà hơn 30% là các trường hợp nữ thanh niên chưa lập gia đình, 50% là do thất bại trong tránh thai.