Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Tâm lý và Nhân cách đã làm rõ một “quy luật” mà nhiều người khẳng định: con người luôn muốn cái mà họ không có.
Liệu đây có phải là điểm cốt lõi trong nhân cách con người? Khi còn nhỏ, ta luôn ham thích những món đồ chơi mà người lớn cấm đoán. Tuổi vị thành niên, ta luôn tò mò về những thứ mà ta “chưa đủ tuổi”, hay “chỉ dành cho người lớn”. Liệu đối với người trưởng thành, điều này vẫn đúng? Các nhà nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng: quy luật trên vẫn không đổi ngay cả trong chuyện yêu đương.
Cũng như chuyện con người thường muốn những công việc họ không có, mức lương họ không đạt tới, hay những chiếc xe họ không mua nổi, con người có xu hướng muốn thoát khỏi mối quan hệ hiện tại để tiến tới với những đối tác hấp dẫn hơn khi họ bị đặt vào tình thế bị “cấm giao du”, “cấm lăng nhăng”.
Kết quả nghiên cứu cho thấy quan điểm trên là hoàn toàn hợp lý. Một nhóm 3 thí nghiệm được tiến hành trên các nhóm sinh viên đại học khác nhau, vài người đã có người yêu, vài người đang hẹn hò, một số khác đã đính hôn. Điều mà các nhà nghiên cứu tìm ra chính là: việc bị kìm kẹp và kiểm soát bởi bạn trai/gái khiến các đối tượng được thí nghiệm cảm thấy bớt yêu, hạ thấp giá trị của mối quan hệ, và dễ bị thu hút vào những mối “lăng nhăng” khác. Bởi thế, bạn nên nghĩ lại trước khi lên tiếng trách móc bạn đời vì trót “săm soi” một cô gái đẹp đi ngang qua.
Sau nghiên cứu, một mối băn khoăn khác lại nảy sinh. Bạn đang có người yêu, và bạn mong rằng người yêu mình thậm chí không “muốn” hay “có ý định” ngắm nghía bất kì ai khác. Luận điệu trên dễ dàng bị bác bỏ. Chuyện một người không hề bị thu hút (ánh nhìn) bởi một người khác giới hấp dẫn về cơ bản là không thể. Bạn không thể “giả vờ không thấy gì” chỉ vì bạn đang yêu. Hãy thực tế một chút, đó đơn giản chỉ là đề cao cái đẹp. Nếu bạn là phụ nữ, hãy lo lắng nếu bạn trai bạn không hề chú ý chút nào tới những cô gái xinh đẹp. “Thả rông” một chút sẽ khiến mối quan hệ dễ chịu và gắn kết hơn.