Sản phụ chán ăn, mất ngủ, cơ thể suy nhược và có nhiều rối nhiễu về mặt tâm lý sẽ dẫn tới đứa trẻ sau khi chào đời có thể sẽ bị tổn thương hệ miễn dịch, thậm chí trầm cảm và các chứng bệnh thần kinh khác.
Chuyện buồn “mang nặng” trước hôn nhân
Đang tất tả lo bữa cơm chiều thì Mai nhận được điện thoại của ông anh trai. Hỏi qua loa em gái vài câu Huy lái câu chuyện sang việc chăm sóc bà bầu như thế nào. Số là Mai tốt nghiệp khoa tâm lý và đang làm việc ở một trung tâm tư vấn về tình yêu, giới tính và sức khỏe sinh sản nên có kinh nghiệm. Nhờ sự khéo léo, anh trai đã dốc hết bầu tâm sự.
Hà Huy (29 tuổi, quê ở Hà Nam, là nhân viên kỹ thuật của siêu thị Big C), đẹp trai và có tài. Còn Mai, bạn gái Huy (21 tuổi, người Hà Nội) cũng làm việc tại siêu thị. Sau một thời gian tìm hiểu, yêu nhau, cả hai đã quyết định sống thử. Mới đây khi biết người yêu có thai, dù hơi bất ngờ nhưng vì yêu nhau đã được gần 2 năm nên Huy cũng tính đến chuyện cưới xin. Mặc dù có thiện ý nhưng Huy càng sốc khi thấy người yêu khó tính, khó chiều và thậm chí còn đòi chia tay. Một phần là do Mai còn trẻ con, hay giận dỗi và có phần tiểu thư. Đang mang bầu nên Mai mệt mỏi, cáu bẳn và càng khó gần. Hễ không vừa ý cái gì, nàng lại khóc như mưa. Nhưng lo lắng nhất của Mai chính là việc mình về nhà chồng không “đàng hoàng” sẽ khiến bố mẹ chồng xem thường.
Trong khi đó Huy bộn bề công việc lại lo dỗ dành người yêu nên nhiều lúc cũng mệt mỏi, dễ sinh ra bực dọc. Than phiền với cô em gái, Huy nói “nhiều lúc tao không muốn nhìn mặt nó nữa, lấy nhau về không biết có chịu nổi được không”…
Tú Anh (Tuyên Quang), mới chỉ là sinh viên năm cuối những cũng đã quyết định chuyển về sống chung với Hoàng (Kỹ sư xây dựng) cho tiện bề chăm sóc và “quản lý” nhau. Ban đầu mọi chuyện diễn ra có vẻ rất suôn sẻ, thuận lợi. Hoàng năm nay 32 tuổi nên gia đình cũng nhắc chuyện lấy vợ. Khi Tú Anh báo tin mình “sắp làm bố” anh đã rất sung sướng, nhưng Tú Anh thì ngược lại. Cô sợ tai tiếng, sợ không biết ăn nói với bố mẹ như thế nào vì bố mẹ cô là người cực kỳ nghiêm khắc, là giáo viên hét ra lửa ở một trường THPT tỉnh. Vừa ốm nghén, vừa lo lắng chuyện đối mặt với bố mẹ, Tú Anh gầy rộc cả người, suốt ngày cau có, khiến đôi bạn trẻ luôn rơi vào tình cảnh cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Hoàng vừa thiếu kinh nghiệm, chẳng biết chăm người yêu khi đang nghén, lại không dám hỏi ai nên anh chàng càng bối rối.
“Đến nước này rồi thì cứ nhắm mắt làm liều, đến đâu hay đến đó chứ biết làm sao bây giờ”. Tú Anh chia sẻ.
Con cái lãnh đủ vì… quan hệ trước hôn nhân
Có thai, vội vã làm đám cưới, nhiều cặp đôi đã phải vỡ mộng về một cuộc hôn nhân không như ý. Tuy nhiên, ít bạn trẻ biết rằng, việc có thai trước khi cưới đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý đứa trẻ cũng như người mẹ lúc đó, gây nên xáo trộn về sau.
Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình (Giám đốc trung tâm tham vấn tâm lý Hoàng Nhân): “Có bầu trước hôn nhân sẽ không tốt cho con người khi đứa trẻ được tượng hình trong sự bất ngờ và lo lắng của bố mẹ. Trái ngược với việc có thai khi đứa con là kết quả của sự mong đợi từ những người làm cha làm mẹ. Trong nhiều ca tư vấn, tôi nhận thấy các bậc cha mẹ trẻ rất lo lắng về vấn đề như ám ảnh, lo hãi, tự kỷ, trầm cảm bởi những nguyên nhân “ăn cơm trước kẻng”, chủ yếu liên quan đến vấn đề nạo phá thai bừa bãi, hoặc là khó sinh con, vô sinh hay thương nhớ đứa con đã bị bỏ đi…”
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Hà, phó trưởng khoa đẻ, bệnh viện Phụ sản TƯ còn đưa ra thông tin đáng lo ngại hơn: “Phụ nữ mang thai tâm sinh lý thay đổi, nhất là những người mang thai lần đầu. Với những đứa trẻ phải tượng hình trong hoàn cảnh bố mẹ có nhiều lo lắng, căng thẳng và mệt mỏi nếu ở mức độ thấp thì không sao, nhưng nếu kéo dài thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người mẹ. Nhất là tình trạng sản phụ chán ăn, mất ngủ, cơ thể suy nhược và có nhiều rối nhiễu về mặt tâm lý. Nhiều đứa trẻ sau khi chào đời có thể sẽ bị tổn thương hệ miễn dịch đang phát triển của trẻ ngay trong giai đoạn thai kỳ. Thậm chí có thể dẫn đến chứng trầm cảm và các chứng bệnh thần kinh khác”.
Những đứa trẻ cần được chào đời trong hoàn cảnh tốt nhất, trong sự mong chờ của bố mẹ, được tạo nên bởi những người có tâm lý hài hòa và tâm thế yêu thương. Điều này thường có trong trạng thái hôn nhân hạnh phúc.
Còn khi không thể như thế, khi điều đáng tiếc xảy ra, các bậc cha mẹ cần nhanh chóng lựa chọn giải pháp, nhìn nhận hoàn cảnh khách quan để có quyết định tốt nhất, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của đứa trẻ sau này.
Theo VTC.vn