Tôi năm nay 24 tuổi là sinh viên năm cuối của một trường đại học. Tôi bị rơi vào một tình huống pháp luật và tâm lý rất khó xử mong được giải đáp.
Tôi và anh B có tình cảm với nhau tuy nhiên đến ngày 13/2 thì giữa hai người chưa có chuyện gì xảy ra. Đến ngày 14/2 đúng dịp Valentin (lễ tình nhân) anh tới nhà tôi chơi, hôm đó vì trời lạnh nên xin ở lại phòng tôi. Đêm ấy, anh cứ đòi quan hệ bằng được dù tôi một mực không muốn vì tình cảm hai bên chưa thực sự sâu nặng.
Điều đó khiến tôi bị chảy máu và tôi đã không còn là con gái...
Xin hỏi trong trường hợp đó anh B có phải đã có hành vi hiếp dâm tôi?
Tôi cần làm gì để chứng minh rằng B có tội?
Nếu tôi muốn kiện ra tòa, thì đơn kiện của tôi có được chấp nhận? Mức xử phạt có thể đối với B?
Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời:
Chúng ta cần căn cứ điều 111 - Bộ luật hình sự quy định về “Tội hiếp dâm” để xem hành vi của B có phải phạm “tội hiếp dâm” hay không? Điều luật này quy định về hành vi phạm tội như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ”. Hình phạt dành cho tội này thấp nhất là 7 năm tù, cao nhất có thể đến tử hình.
Trường hợp của bạn, theo tôi hiểu thì hai bạn mới “có tình cảm” chứ chưa phải hai người đã yêu nhau. Tuy nhiên do điều kiện khách quan nên ngày 14/2 bạn đã đồng ý cho anh B ngủ lại phòng của mình và anh B cứ đòi quan hệ tình dục với bạn. Bạn cho biết mình một mực không muốn với lý do tình cảm hai người chưa sâu nặng, nhưng hậu quả sau đó hai người vẫn có hành vi quan hệ tình dục với nhau.
Vì bạn nói chưa rõ ràng nên tôi đặt ra các tình huống và các khả năng sau:
1. Nếu lúc đầu anh B đòi quan hệ tình dục với bạn bằng được (ví dụ như: thuyết phục, năn nỉ, dỗ dành, an ủi, động viên…). Do bạn cả nể, sợ tình cảm của hai người không còn… rồi dẫn đến việc bạn miễn cưỡng chấp nhận cho B quan hệ tình dục với mình, sau đó còn hưởng ứng với các hành vi tình dục của B. Trong trường hợp này sẽ được coi là bạn đã chấp nhận quan hệ tình dục với anh B. Như vậy hành vi quan hệ tình dục của anh B đối với bạn không bị coi là có tội.
Thông thường khi yêu nhau và lần đầu tiên người nam giới đòi hỏi quan hệ tình dục với người nữ giới trước hôn nhân thì ít có bạn nữ nào hưởng ứng ngay mà luôn có sự phản ứng. Khi người bạn trai có những hành động kiên quyết để được quan hệ tình dục, rồi bạn nữ chuyển từ trạng thái “phản ứng” sang “hưởng ứng” với hành vi của bạn trai mình, như vậy đã phản ánh ý muốn chủ quan của bạn nữ là chấp nhận và đồng ý với hành vi tình dục của bạn tình. Do đó hành vi của người bạn trai không bị coi là phạm tội “hiếp dâm” hay “cưỡng dâm”.
Nhân đây, tôi nêu lại một ví dụ vui vui mà quan tòa ngày xưa xử để minh họa cho bạn dễ hiểu như thế nào là “trái với ý muốn của họ”. “Có một chị tố cáo đến quan Tòa là mình bị hiếp dâm. Tòa đưa vụ án ra xét xử. Trước công đường, anh bị tố cáo nói là chị ấy đồng ý cho mình quan hệ, còn chị ta thì một mực cho rằng mình không muốn nhưng anh ấy cứ cưỡng bức để quan hệ cho bằng được.
Quan tòa hỏi chị ấy là hai người khi quan hệ với nhau là đứng hay nằm? Chị ta vội vàng thưa là anh ấy hiếp đứng. Quan tòa hỏi tiếp chị ấy: Anh ta cao thế kia, còn chị lại thấp thì làm sao mà hai người lại quan hệ với nhau theo tư thế đứng được? Chị ta vội vàng thưa là được chứ vì tôi kiễng chân lên mà. Kết quả, quan Tòa tuyên bố anh kia không có tội. Tại sao vậy? Tại vì chị ta thừa nhận mình đã “kiễng chân lên” tức là hưởng ứng, nên không thể nói là “ trái với ý muốn” của chị ấy được.
2. Nếu anh B có hành vi đòi hỏi quan hệ tình dục với chị và thật sự chị không muốn nhưng B đã dùng vũ lực như: Đánh, đấm, dọa đâm, chém…hoặc dùng sức mạnh để cưỡng bức chị nhằm đạt mục đích giao cấu, chị đã phản ứng và chống trả lại hành vi của B nhưng không được, thì hành vi của B đã cấu thành “tội hiếp dâm”.
Khung hình phạt dành cho tội này được quy định tại điều 111 – Bộ luật hình sự như đã trích dẫn ở phần trên.
Trong trường hợp này, bạn không phải kiện ra tòa án mà làm đơn tố cáo B đã có hành vi hiếp dâm mình. Đơn tố cáo gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra công an quận nơi bạn đang cư trú.
Để chứng minh B đã có hành vi hiếp dâm mình, bạn cần cung cấp cho cơ quan điều tra các chứng cứ chứng minh rằng B đã có hành vi giao cấu trái với ý muốn của bạn như: B có dùng vũ lực không? Vấn đề này thường thể hiện qua các dấu vết như: quần áo có bị rách không? Giường, chiếu, ga, đệm… có bị xô lệch không? Tóc, móng tay có bị gẫy, rụng không? Trên cơ thể của bạn hoặc của B có vết cào xước, bầm tím gì không? Bạn có kêu la cầu cứu không? Có nhân chứng nào nghe thấy, biết việc B đã đến ngủ ở nhà bạn?...
Còn rất nhiều vấn đề khác tuy bạn không thể tự mình chứng minh nhưng sẽ được cơ quan điều tra làm rõ để kết luận đơn tố cáo của bạn có đúng sự thật hay không.
Một vấn đề bắt buộc khác là bạn sẽ được Cơ quan điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định dấu vết trên cơ thể và “cô bé” của bạn tình trạng hiện tại như thế nào để kết luận.