Tôi đi làm… chân dài
Sau gần 3 tháng liên tục làm người mẫu ảnh cho các tạp chí và báo tuổi teen, tôi đã có khá nhiều mối quan hệ trong giới tổ chức sự kiện.
Tháng 4 năm 2009, tôi quyết định lập nhóm PG và bắt đầu việc quản lý nhân sự. Thời gian ban đầu nhóm của tôi có khoảng 50 thành viên, và đến lúc này thì con số khoảng 300 bạn, trong đó ít tuổi nhất sinh năm 1994 và lớn tuổi nhất sinh năm 1986.
Những tưởng mọi việc sẽ theo một quy trình mà theo tính toán của mình là “chuẩn không cần chỉnh”: tuyển người, dựa vào mối quan hệ và đi làm event, có tiền, trả lương….
Ngay sau vài show đầu tiên, tôi đã bị một đòn phủ đầu về kinh nghiệm làm việc. Hôm đó, tôi dẫn khoảng 20 PG đi show 16 ngày ở ngoại tỉnh. Thế nhưng khi xuống đó, dường như thấy tôi còn quá trẻ, người phụ trách đã ép giá 200.000 đồng/PG, trong khi hợp đồng thương thảo là 500.000 đồng. Qua lại mãi, chị ta vẫn khăng khăng ép giá, lúc đó nếu quay về thì show bị vỡ, nhưng tôi vẫn nói cứng: “Nếu chị đồng ý cái giá đấy thì em làm, còn không thì thôi, em nhất định không chấp nhận kiểu làm ăn như thế và sẽ đưa nhóm về Hà Nội ngay lập tức”.
Có người lúc vào nghề này những tưởng là nhàn hạ, xa hoa lắm, nhưng thực ra PG không phải lúc nào cũng sống trong nhung lụa. Đối với những sự kiện diễn ra vào buổi tối, từ 4h chiều chúng tôi đã phải có mặt tại địa điểm tổ chức để sắp xếp chương trình. Có thể kéo dài đến 9 giờ hoặc muộn hơn, và thường trong khi mọi người đứng ngồi ăn uống thỏa thê thì tôi và các người đẹp vẫn phải làm việc.
Hoặc có lúc tôi nhận hợp đồng quảng bá cho một nhãn hiệu thuốc lá, thì nhân viên sẽ phải đến các quán cà phê, quán ăn, quán bar… để tiếp thị. Tại đó, có một số người sẽ chẳng để ý đến bạn đang nói gì mà chỉ chăm chăm nhìn vào các vòng trên cơ thể bạn. Đã từng làm PG, tôi hiểu rõ cảm giác của nhân viên mình, nhất là với những bạn với vào nghề, dù biết trước vẫn có thể tự ái, tủi thân. Lúc ấy, tôi phải nhờ đến quản lý trực tiếp ở đó ra dàn xếp để tránh xảy ra chuyện khiếm nhã hơn.
Cũng đã từng bị đối thủ "dằn mặt", nhưng vốn đã từng theo chân ba đến các vụ "làm ăn" nên tôi cũng thuộc dạng cứng cỏi, tùy thuộc vào tình thế mà nhường hoặc lấn tới. Ngay cả nhân viên, một vài người đã không tôn trọng kỷ luật lúc làm việc, dù có xinh bao nhiêu mà sau mấy lần nhắc nhở vẫn tiếp tục đến muộn, thái độ không tốt tôi đã phải cho nghỉ việc. 19 tuổi, tôi rất khó khăn khi đưa ra quyết định đó, bởi các bạn cũng như tôi, là sinh viên, đều cần tiền, cần việc làm, cũng có sai sót... tuy nhiên, đã làm việc thì không thể vì một vài cá nhân lơ đãng mà ảnh hưởng đến uy tín của mình và công việc của đối tác.
Bạn hỏi tôi rằng, đi làm kiếm tiền nhiều thế, mà chỉ có học với công việc, thì tiêu vào đâu? Đôi lúc, tôi chẳng tiêu tiền gì cả, có tháng kiếm được 40 triệu đồng, tôi cũng chỉ mua ít đồ và những món quà tặng mẹ, tặng ba.
Thực ra thì, tự làm ra tiền, cho nên tiêu tiền đối với tôi là cả một vấn đề. Không như nhiều bạn con nhà khá giả khác, khi mua một cái gì, tôi cân nhắc rất kỹ, quần áo thì không nhất thiết phải là hàng hiệu, nhưng túi xách, giầy và nước hoa là những thứ mà tôi có thể chấp nhận “đắt xắt ra miếng”. Tôi nghĩ, quần áo thì không cần hiệu nhìn vào cũng thấy đẹp, nhưng mùi hương luôn khiến bạn để lại ấn tượng đặc trưng đối với người khác, nhất là trong chuyện làm ăn.
Khủng hoảng và ước mơ
Từ ngày đi làm, tôi thường xuyên rơi vào trạng thái khủng hoảng. Mỗi ngày, thời gian ngủ của tôi nhiều nhất chỉ khoảng 4 tiếng. Buổi sáng, tôi dậy lúc 8h, triển khai công việc, đến 1h chiều tôi đã có mặt ở trường (nếu có chương trình thì đi làm từ sáng và sau đó chạy “hùng hục” đến trường), tối có thể đi show hoặc tiếp tục làm việc cho đến khoảng 3-4h sáng.
Tôi rất sợ tốn thời gian, cho nên tôi rất ít đi chơi, đi du lịch hoặc xem phim … trở thành những thứ xa xỉ đối với tôi.
Công việc dồn dập cộng với việc học khá nặng nề nên tôi lúc nào cũng căng như dây đàn. Mỗi ngày tôi chỉ ăn một bữa, có khi chỉ kịp đến trường với một chiếc bánh mì và chiều về đi làm đến đêm với cái dạ dày rỗng. Và tôi lăn ra ốm, trên chiếc giường nhỏ, tôi nằm lẻ loi một mình. Hà Nội với những sân khấu, bữa tiệc xa hoa rực rỡ, đại gia, chân dài hay…, tất cả trở nên xa xăm, chỉ còn lại nỗi cô đơn, buồn tủi và khát khao được chở che.
Tháng 6/2009, tôi lặng lẽ đăng ký cuộc thi Miss Teen. Tại đây tôi gặp rất nhiều bạn vượt trội về nhan sắc và cá tính khiến tôi cảm thấy hơi e ngại. Nhưng đã đến rồi thì “chiến” hết sức thôi!
Đến tháng 7/2009, trong khi công việc đang thuận lợi thì tôi rơi vào trạng thái “xì trét” vì chuyện gia đình. Căn bệnh ung thư của mẹ tôi bùng phát, tôi bỏ hết mọi việc ở Hà Nội và ngay lập tức về Hà Tĩnh. Nhìn mẹ, tôi đau đớn … học hành, tiền bạc, danh vọng…. để làm gì khi cuộc sống của tôi thiếu vắng mẹ. Và tôi muốn vất tất cả mọi thứ để về bên mẹ thật lâu.
Mẹ, với lòng yêu thương và sự sắc sảo của một phụ nữ nhiều va chạm trên thương trường đã khuyến khích tôi mạnh mẽ hơn để trở lại Hà Nội. Sau một tuần, tôi về lại trường với một núi việc. Và điều quan trọng nữa, là tôi nhận được lời mời tham gia bộ phim Bi ơi, đừng sợ.
Nhân vật mà tôi sẽ thể hiện là một cô gái 15 tuổi làm nghề cắt tóc gội đầu, với nghề nghiệp khá gợi cảm này, cô gái gặp rất nhiều cám dỗ trong cuộc sống, nhưng trái tim, nghị lực đã khiến cô vẫn sống trong sạch. Kịch bản và vai diễn rất thú vị, cộng với việc muốn thử sức ở lĩnh vực nghệ thuật và rũ bỏ những căng thẳng mà mình vừa trải qua, tôi đã đồng ý tham gia bộ phim này.
Bạn tôi hỏi, kinh doanh và nghệ thuật thì tôi chọn lĩnh vực nào, khi mà tôi còn quá trẻ và phải học quá nhiều. Tôi nghĩ rằng sẽ khó có sự lựa chọn, vì tôi vẫn tin rằng mình sẽ trở thành một doanh nhân rất thành đạt và cũng có thể theo đuổi nghệ thuật.
Theo : Zings